Vừa giữa trưa, những cái bụng đói meo dẫn lối theo mùi thức ăn của chị Quế tỏa ra từ căn bếp đầu hồi. Mùi xào nấu món nào cũng thật cay, chỉ ngửi thôi đã xộc thẳng lên mũi. Với những người lính dạn dày, đây là một bữa cơm đặc biệt của ngày…
Từ hoang tàn suốt chục năm trời, tưởng chừng như không còn dấu hiệu của niềm tin, của sự sống sinh sôi, tháng 7/2019, những giọt mồ hôi của BIDGroup đã rơi trên mảnh đất này, khiến cho CT1-104 Usilk City như hồi sinh trở lại. Tiếng xình xịch của máy móc, động cơ, những buổi đêm ồn ào, không ngủ đã khiến cho “dải lụa” năm nào như bắt đầu hiện hữu. Và cũng từ đó, Ban điều hành gồm những thành viên dày dạn kinh nghiệm nhất được điều động từ các công trường khác, tụ hội về đây, cùng một niềm tin tiếp thêm sức sống cho những khối bê tông đã ngủ quên quá lâu rồi.
Với anh em Ban điều hành công trường, những tâm tình gần gũi, những thổ lộ buồn vui hay bông đùa gói ghém trong bữa cơm trưa. Một sáng làm việc, người leo lên sàn, người ngồi trên mái, người giám sát thi công, người lo hồ sơ giấy tờ, người làm việc với tư vấn, nhà thầu… ai ai cũng đều tấp nập để kịp với tiến độ khẩn trương của công trường. Tới trưa, năng lượng sau một sáng làm việc dường như vơi cạn dần.
Chị Quế – người phụ nữ mặt mũi lúc nào cũng tươi như hoa, rạng rỡ, giọng nói thì lảnh lót: “Các chú ra ăn cơm đi, cơm chị nấu xong rồi” và không quên kèm theo một điệu cười hỉ hả. Căn bếp đỏ lửa, có bàn tay của người phụ nữ khiến cho công trường đầy hơi ấm. Lại nói về chị Quế, người phụ nữ gần ngũ tuần, đã gắn bó với BID sang năm thứ 6. Quê chị ở Ninh Bình, mênh mang những đồng lúa xanh mướt mắt. 2 vợ chồng làm xay xát, hàng sáo không đủ để nuôi con, chị phải đi thoát ly để mưu sinh, thấm thoắt đã 10 năm có lẻ chị có mặt ở chốn phồn hoa đô hội, “đầu tắt mặt tối” theo những công trường để lo từng bữa cơm cho thợ và dọn dẹp. Trong đó, có đến 4 năm chị gắn bó với Trần Bình, 1 năm gắn bó với Bright City và từ tháng 7 tới nay là BID Residence. 6 năm, một sự gắn bó đủ dài với BIDGroup.
Một số món ăn “thịnh soạn” của anh em công trường
Mười hai giờ trưa, những bàn tay lấm lem, những chiếc áo bảo hộ phủ đầy bụi, được giũ sạch và anh em ngay ngắn ở bàn ăn. Dân công trường sức dài, vai rộng, bữa trưa lúc nào cũng thật ngon lành với 2 món mặn, 2 món rau, một món phụ. Nghe thì có vẻ thịnh soạn lắm, nhưng thực ra là cách đi chợ rất hợp lý của chị Quế, với mỗi suất ăn định mức 23 ngàn đồng. Xung quanh công trường có nhiều quán ăn, nhưng mỗi suất trung bình cũng từ 40 tới 50 ngàn đồng, chưa kể việc vệ sinh thực phẩm và nắng nôi, mưa rét. Vì thế, bữa cơm công trường đã trở thành một bữa cơm gia đình đúng nghĩa của những anh em nơi đây. Họ cùng nhau ăn uống, vui đùa như người một nhà. Tiếng cười nói râm ran suốt nửa tiếng trưa ngắn ngủi.
Bữa cơm trưa công trường như bữa cơm gia đình
Cơm có suất, những hôm “nhà có khách” như bữa nay, khi thêm 2 khẩu phần ăn của tôi và TGĐ là phát sinh. Thú thực lúc đầu cũng chẳng định ăn, vì biết cơm nấu xong rồi, nhưng anh em mời nhiệt tình quá, thành ra ngại từ chối, mà TGĐ thì cũng thế. Và bao nhiêu sự ga lăng của anh em được thể hiện đúng nghĩa “bát cơm sẻ nửa” chỉ mỗi không có “chăn sui đắp cùng” thôi. Chắc là khi có khách, mà đặc biệt là khách “ít ngại” như tôi thì một số anh sẽ hơi “ngót” chút, vì mấy khi có đứa em “thuồng luồng” tới ăn như chủ nhà thế này. Nhưng đúng là ăn xong bữa trưa, mới càng trân quý sự chân chất, mộc mạc của “trai xây dựng”.
Ăn trưa rồi lại đến tiết mục ngủ trưa. Mà ngủ trưa cũng rất là vui. Bước vào phòng nghỉ của cán bộ công trường, là những dãy giường tầng hệt như ký túc xá năm nào, chỉ còn thiếu mỗi cây đàn guitar là đủ bộ. Mỗi chiếc giường đơn đều có chăn, gối. Tôi cũng kiếm cho mình một chiếc giường. Trước khi ngủ, các anh hỏi rằng: “Chồng em ở nhà có ngáy không?”, “Úi xời, như cái lò kéo bễ, nhưng mà thiếu thì em không ngủ được”, tôi thẳng thừng chia sẻ. Và thế là các anh an tâm ngủ, đúng là chỉ khoảng 15 phút sau, căn phòng như một bản hợp xướng giữa trưa, người ngáy to, người ngáy nhỏ, như những nốt trầm, nốt bổng trong bản nhạc, khổ nỗi trưa tôi uống mấy chén nước chè, thành ra cứ chong mắt lên nghịch điện thoại và lắng nghe những thanh âm rất đỗi thân quen. Công trường đang thi công nên nhiều bụi, trên chiếu cũng bám nhiều, nhưng sao khi nằm nghỉ ở căn phòng ấy, lại thấy thật thân thương.
“Ký túc xá buổi trưa” của công trường
Đến giờ về, tôi lặng lẽ rút không làm các anh mất giấc. Họ đang trong một giấc ngủ ngon say để tái tạo năng lượng, chiều lại tiếp tục với nhà thầu, với tiến độ… Những con người chân tình, hiếu khách, nhiệt huyết và hơn hết, họ đang cùng với người BID hồi sinh công trình, đem lại niềm tin đã mất cho những khách hàng của CT1-104 năm nào.