Theo Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Trần Văn Bình, năm 2023, ngoài câu chuyện nguồn cung hạn chế; tình trạng tắc nghẽn pháp lý… thì vấn đề vốn cũng là một nút thắt cần tháo gỡ. Bởi vốn rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Thực tế, ngoài các doanh nghiệp có nguồn lực lớn, thì nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào tín dụng.
Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” ngày 14/12 nhận được nhiều ý kiến đề xuất.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Khôi cho rằng thị trường bất động sản năm 2022 đã gặp nhiều khó khăn, sang năm 2023 những thách thức vẫn còn tiếp tục tồn tại. Đặc biệt toàn ngành bất động sản sẽ phải giải "bài toán" nguồn vốn, vì hiện nay một số doanh nghiệp đang điêu đứng, không thể phát triển sản phẩm mới và buộc phải sa thải lượng lớn nhân viên.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện doanh nghiệp tham gia hội nghị thừa nhận: “Có những doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng. Chính vì vậy, năm 2023 khó chứng kiến một đà bật tức thì, tuy nhiên, đây là dịp để thị trường thanh lọc các doanh nghiệp bất động sản chưa có thực lực".
Trước tình hình khó khăn của thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Văn Khôi khuyến cáo các doanh nghiệp cần tập trung vào những dự án nhà ở phù hợp khả năng thanh toán của người dân, hoặc dự án đang hoàn thiện giúp thu hồi vốn nhanh. Doanh nghiệp phải cố gắng chủ động, thích ứng linh hoạt, giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá bán nhằm bán được nhiều sản phẩm hơn.
Còn Chủ tịch Phú Hưng Property Nguyễn Thùy Dung đề xuất thời gian tới, room tín dụng không nên siết chặt quá đà với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đặc biệt với dự án bất động sản có giá trị sử dụng thực tế; sản phẩm có giá trị khai thác dòng tiền; dự án đã hoàn thành pháp lý và đảm bảo về tiến độ xây dựng, đang đi vào quá trình bàn giao.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM Lê Viết Hải kiến nghị cơ quan nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa để giải quyết các vấn đề của ngành bất động sản, trong đó có bài toán huy động vốn, bởi ngành này liên quan đến hệ sinh thái của ngành xây dựng như: vật liệu, quản lý dự án, vận chuyển, bảo hiểm…
Theo Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, tổng sản lượng ngành xây dựng khoảng 82 tỷ USD, đóng góp tỷ trọng không nhỏ cho nền kinh tế. Ngành xây dựng có hệ sinh thái lớn, bao gồm: công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; tư vấn, quản lý, thiết kế dự án; vận chuyển; bảo hiểm. Ngành xây dựng phát triển đương nhiên kéo theo các ngành khác trong hệ sinh thái phát triển. Ngược lại, nếu xây dựng gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Bởi không có công ăn việc làm cho lực lượng ngành này đương nhiên là tác động xấu đến xã hội, mà lực lượng lao động đó rất lớn.
Dự báo về tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới, nhiều ý kiến nhận định, có thể phải hết năm 2023, thị trường mới phục hồi trở lại. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ nên xem là giai đoạn suy giảm của thị trường bất động sản và cần một khoảng thời gian đủ là thị trường có thể vực dậy.
Nguồn: Vneconomy